Hiện tượng thiếu máu trên chó, mèo là một trạng thái bệnh lý biểu hiện bởi sự suy giảm số lượng và chất lượng hồng cầu, tiểu cầu trong máu ngoại biên. Nó có thể là căn nguyên bởi sự mất máu ( chảy máu), sự tan máu do tế bào hồng cầu bị phá huỷ , hoặc sự suy giảm yếu tố sản sinh hồng cầu trong tuỷ xương Erythropoietin ( yếu tố này phần lớn được sản sinh từ thận , 10% do gan tổng hợp).
1. Những biến động có liên quan đến tế bào máu trong hiện tượng thiếu máu
Máu là một mô liên kết gồm có hai thành phần chính là huyết tương (chiếm 55-60% thể tích máu) và thành phần hữu hình là hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu (chiếm 40-50% thể tích máu).
Về mặt lâm sàng, thú bị thiếu máu thường có dấu hiệu mệt mỏi, kém vận động, kém ăn, sụt cân, da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, thở khó gắng sức, mạch nhanh, phân đen hoặc xám đen
Về mặt phi lâm sàng, cần căn cứ trên một số đánh giá sự thiếu máu trên chó, mèo như sau:
1.1. Đánh giá về số lượng hồng cầu:
Số lượng hồng cầu thường suy giảm rõ rệt trong các trường hợp thiếu máu cấp tính do mất máu, thiếu sắt, suy tuỷ, các bệnh tan huyết, ký sinh trùng máu.
Bên cạnh đó, việc đánh giá số lượng hồng cầu lưới (reticulocyte) có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá mức độ đáp ứng hồi phục của tuỷ xương đối với phác đồ điều trị thiếu máu. Sự vắng mặt hoặc thiếu hụt về số lượng của hồng cầu lưới cho thấy có sự khiếm khuyết của sự phát triển của hồng cầu. Tỉ lệ phần trăm của hồng cầu lưới được so sánh với mức độ thiếu máu của cơ thể và đánh giá đáp ứng của tuỷ xương với sự thiếu máu. Sự đáp ứng hồi phục của tuỷ xương đối với tình trạng thiếu máu nhằm phân biệt thiếu máu có tái tạo hay không tái tạo (regenerative – nonregenerative anemia)
1.2. Đánh giá về hình thái , kích thước của hồng cầu:
Bình thường hồng cầu không có nhân, hình đĩa, lõm 2 mặt . Sự xuất hiện những biến đổi hình thái của hồng cầu thường có liên quan đến một bệnh lý nào đó :
- Hồng cầu dạng cầu (spherocyte) hiện diện cho thấy có sự nhạy cảm giữa cá thể với các bệnh miễn dịch trung gian hay thiếu máu tan huyết trên chó
- Hồng cầu vỡ (schistocyte) hiện diện thường là yếu tố đánh dấu trong hội chứng rối loạn đông máu, các trường hợp thiếu máu miễn dịch trung gian, huyết khối, ung thư máu, lách to, bệnh thận, xung huyết tim, ngộ độc thuốc kháng ung thư.
- Hồng cầu có gai (acantocyte) thường thấy trong những chó bị ung thư máu, bệnh gan.
- Hồng cầu hình răng cưa (echinocyte) thường được nhận dạng trên những chó bệnh thận mãn tính, viêm tiểu cầu thận hay ngộ độc
- Hồng cầu hình giọt nước (dacryocyte) thường được nhìn thấy trên chó bị rối loạn tăng sinh tuỷ bào, viêm tiểu cầu thận, cường lách, thiếu máu do thiếu sắt
- Hồng cầu nhược sắt (hypocromasia) thường được thấy trong các trường hợp thiếu sắt.
Bình thường kích thước hồng cầu không đều, do quá trình thoái hoá hoặc hồi phục hồng cầu trong quá trình đáp ứng của cơ thể đối với tác nhân bệnh lý hoặc có thể là hiện tượng tự nhiên trong cơ thể mà không rõ nguyên nhân. Ví dụ : trên giống chó Poodle thường thấy nhiều đại hồng cầu (hồng cầu to) , trong khi đó lại thấy nhiều tiểu hồng cầu (hồng cầu nhỏ) trên giống Akita của Nhật.
1.3.Đánh giá mức độ thiếu máu:
Đánh giá mức độ thiếu máu cần căn cứ trên biến động như sau :
- Sự suy giảm Hemoglobin (giúp chức năng vận chuyển Oxygen từ phổi đến các mô bào) ,
- Sự suy giảm Hematocrite (PCV) (tỉ lệ phần trăm giữa khối lượng hồng cầu và máu toàn phần, tỉ lệ này giảm trong trường hợp thiếu máu)
- Sự suy giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu , tiểu cầu
1.4. Các đánh giá khác:
- Đánh giá khả năng nhiễm ký sinh trùng trong đường máu, đường tiêu hoá..
- Đánh giá chức năng gan, thận, tuỵ, đường huyết
- Ion đồ nhằm đánh giá tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải trong cơ thể
- Phân tích nước tiểu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu và đánh giá chức năng thận
- Đánh giá các bệnh nhiễm trùng khác như bệnh đường tiết niệu, thận, bàng quang, lách
- Đánh giá các bệnh truyền nhiễm mà chó, mèo có thể mắc phải
- Đánh giá về bệnh học đối với tuỷ xương như sinh thiết hoặc test tế bào học tuỷ xương ( Fine Needle Aspiration ) khi nghi ngờ các bệnh lý khác có liên quan
- Đánh giá chức năng đông máu nhằm phát hiện các bệnh lý có liên quan đến sư hình thành cục máu đông
2. Truyền máu : biện pháp can thiệp trên những chó , mèo bị thiếu máu
Việc tầm soát để xác định một trường hợp thiếu máu đã phức tạp thì biện pháp can thiệp truyền máu bù đắp lại là một chuỗi khó khăn.
Chỉ tiêu vàng cho việc chỉ định trường hợp thiếu máu ở giai đoạn sớm cần phải được truyền máu là thể trạng suy yếu và thông số HCT ( Hematocrite hay PCV ) ở mức độ < 20% trên chó và < 15% trên mèo
Trường hợp thiếu máu do thiếu tiểu cầu : nhiều nghiên cưu cho rằng đời sống tiểu cầu rất ngắn sau khi ra khỏi vòng tuần hoàn máu vì thế cần lưu ý sự hiện diện của tiểu cầu không có giá trị về chức năng trong các sản phẩm của máu.
Việc chỉ định truyền tiểu cầu chỉ trong các trường hợp đe doạ xuất huyết do thiếu tiểu cầu hoặc suy giảm chức năng tiểu cầu
3. Phân định nhóm máu
Việc phân định nhóm máu là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại trong truyền máu.Như ta đã biết các nhóm máu trên chó được quyết định bởi kháng nguyên bề mặt hồng cầu gọi là DEA (Dog Erythrocyte Antigen). Chúng có ý nghĩa quan trọng trong truyền máu vì nguy cơ gây phản ứng tan huyết . Những phản ứng này gây ra khi kháng thể chống lại kháng nguyên của nhóm máu , độ trầm trọng của phản ứng tan máu phụ thuộc loại kháng thể máu con cho.
TRÊN CHÓ
Có trên 20 hệ thống nhóm máu, nhưng chỉ có một số nhóm được xác định bởi kháng huyết thanh chuẩn hoá quốc tế , đó là : DEA 1.1 (nhóm máu A1), DEA 1.2 (nhóm máu A2), DEA 3 (nhóm máu B), DEA 4 (nhóm máu C), DEA 5 (nhóm máu D), DEA 6 (nhóm máu F) , DEA 7 (nhóm máu Tr), DEA 8 (nhóm máu He)
- Nhóm máu quan trọng nhất của chó là DEA 1.1 (nhóm máu A1); chó có nhóm máu DEA 1.1 chiếm 40-60% quần thể; chó có nhóm máu này có thể nhận được máu của các nhóm máu khác mà không sợ bị phản ứng tan huyết
- Chó có nhóm máu DEA 1.2 (nhóm máu A2) có thể cho được máu cho các nhóm máu khác mà không sợ bị phản ứng tan huyết
- Chó có nhóm máu DEA 1.1 (nhóm máu A1) không bao giờ truyền được cho chó có nhóm máu DEA 1.2 (nhóm máu A2).

(Nguồn www.woodleyequipment.com )

- Chỉ định bắt buộc thực hiện phân định nhóm máu và thử nghiệm chéo nhằm xác định đươc nhóm máu tương thích .
- Chỉ định truyền những thành phần mà cơ thể thiếu và cần (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu)
- Cần sử dụng nguồn máu hoặc các sản phẩm thay thế từ ngân hàng máu theo đúng tiêu chuẩn của thú y.
- Tất cả nguồn máu cho cần phải được sàng lọc loại trừ ký sinh trùng máu
- Chỉ định truyền máu đúng với mục đích điều trị
- Cần đáp ứng giải pháp chống shock, cung cấp đủ Oxygen khi bệnh súc mất quá nhiều máu
- Bác sĩ thú y cần phải hiểu biết những nguy cơ do truyền máu có thể xảy ra và có định hướng xử lý đúng đắn
- Phải nghiêm ngặt theo dõi trong suốt quá trình truyền nhằm phát hiện sớm những phản ứng có thể xảy ra
- Thú cho máu phải khoẻ mạnh, có tiêm phòng định kỳ; không tiêm vaccine trong vòng 10-14 ngày trước khi có dự định cho máu
- Trong khoảng lứa tuổi từ 1-9 năm
- Trọng lượng cơ thể từ 20kg trở lên đối với chó; 4kg đối với mèo
- Thái độ thân thiện, hợp tác
- Sẵn sàng hiến máu từ 1-4 lần / năm
- Không ở trong tình trạng mang thai
- Phòng trừ bệnh giun tim định kỳ
- Âm tính test ký sinh trùng máu :

Máu có thể được truyền qua đường tĩnh mạch, trong màng bụng hoặc khoang tuỷ của xương đùi. Không nên tiêm truyền dưới da vì tế bào máu dễ bị phá huỷ trong mô dưới da. Truyền máu theo đường phúc mạc chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Máu và các sản phẩm của máu có thể truyền ở tốc độ 5-10ml/kg thể trọng/giờ. Tốc độ ban đầu phải là 0.25ml/kg/giờ trong khoảng 15-30 phút đầu cho phép phát hiện phản ứng truyền máu nếu có. Tốc độ nhanh nhất cho phép là 20ml/kg/giờ trong trường hợp cấp cứu nhưng thú phải được kiểm soát tim mạch xuyên suốt thời gian truyền. Để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn vào máu và các sản phẩm của máu, tiến trình truyền cần phải hoàn tất trong vòng 4 giờ.
Số lượng máu cần truyền bù phụ thuộc vào hàm lượng Hematocrite (Hct)(PCV) bị giảm . Về cơ bản, trên những chó bị thiếu máu cần điều chỉnh sao cho PCV được nâng từ 25-30%